Hộ chiếu Việt tăng 7 bậc trong bảng xếp hạng toàn cầu nhờ những điểm tích cực như chính sách đối ngoại chủ động, hộ chiếu được nâng cấp về bảo mật. Theo công bố từ Chỉ số xếp hạng hộ chiếu Henley (HPI) quý III hôm 22/7, Việt Nam đứng thứ 84 toàn cầu, tăng 7 bậc so với lần công bố hồi quý I (thứ 91) và 3 bậc so với năm 2024. Thứ hạng hộ chiếu cao nhất Việt Nam từng nắm giữ trong lịch sử 20 năm của HPI là 78 (năm 2006, 2007). Việt Nam từng đứng thứ 79 (năm 2008, 2009), 81 (năm 2013,2014) và 84 (2010, 2025). Thứ hạng hộ chiếu phản ánh mức độ hội nhập và độ mở của một quốc gia. Hình ảnh Việt Nam được cải thiện trên các bảng xếp hạng uy tín sẽ giúp du lịch Việt tăng độ tin cậy, thu hút đầu tư, mở rộng hợp tác quốc tế, góp phần thúc đẩy dòng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam (du lịch inbound). Theo Trưởng ban Thư ký Hội đồng Tư vấn Du lịch (TAB) Hoàng Nhân Chính, hộ chiếu tăng hạng trước tiên phải kể đến chính sách ngoại giao chủ động, đa phương hóa và hội nhập sâu rộng của Việt Nam những năm gần đây. Hộ chiếu Việt Nam mẫu mới (bên trái, bìa xanh tím than) và mẫu cũ (bìa xanh lá). Ảnh: Nguyên Minh. Hộ chiếu Việt Nam mẫu mới (bên trái, bìa xanh tím than) và mẫu cũ (bìa xanh lá). Ảnh: Nguyên Minh. Tăng cường quan hệ quốc tế thông qua các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo Đảng, Chính phủ và Quốc hội Việt Nam đã giúp ngành ngoại giao đàm phán các hiệp định miễn visa, ký kết các thỏa thuận hợp tác với nhiều điểm đến, đồng thời cải thiện đáng kể hình ảnh quốc gia thông qua các hoạt động quốc tế. Ngoài ra, hộ chiếu Việt Nam cũng đã được nâng cấp về chất lượng kỹ thuật và độ bảo mật, trong đó có việc phát hành hộ chiếu gắn chip từ năm 2023. Hệ thống quản lý xuất nhập cảnh ngày càng chuyên nghiệp, hiện đại (như xuất nhập cảnh tự động), phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế, giúp tăng độ tin cậy với các quốc gia đối tác. Theo HPI, công dân Việt hiện có thể nhập cảnh 51 điểm đến mà không cần visa hoặc chỉ cần xin e-visa, visa cửa khẩu, ETA (giấy phép du lịch điện tử) trong tổng số 227 quốc gia, vùng lãnh thổ. Quyền lợi này tương tự vị trí thứ 91 hồi đầu năm. Theo Tổng Giám đốc Công ty Du lịch AZA Travel Nguyễn Tiến Đạt, khách Việt đi du lịch quốc tế để lại hình ảnh đẹp ở nước sở tại cũng có thể là lý do giúp Việt Nam không tăng điểm đến miễn thị thực nhưng cũng không bị giảm đi. "Khách Việt ra nước ngoài hành xử văn minh, chi tiêu cũng nhiều và hiếm khi vi phạm pháp luật nước sở tại", ông Đạt nói. Dù hộ chiếu Việt Nam tăng 7 bậc, số điểm đến miễn visa hoặc yêu cầu thủ tục đơn giản vẫn giữ ở mức 51, cho thấy sự tăng hạng có thể xuất phát từ sự tụt hạng của một số quốc gia khác. "Số điểm đến miễn visa không thay đổi là một lời nhắc nhở rằng chúng ta vẫn còn nhiều việc phải làm để cải thiện thực chất quyền lực của cuốn hộ chiếu Việt Nam", ông Chính nói. Hộ chiếu quyền lực nhất thế giới hiện nay là Singapore, khi công dân nước này được miễn visa tại 193 điểm đến (tụt hai điểm so với 195 điểm trong lần công bố vào quý I). Theo các chuyên gia của tờ Mint, thuộc HT Media, một trong những tập đoàn truyền thông giải trí lớn nhất Ấn Độ, hộ chiếu Singapore quyền lực nhờ các yếu tố chính: có mối quan hệ ngoại giao tốt đẹp với nhiều nước; đất nước an toàn, văn minh, GDP cao; người dân không trốn ở lại lao động "chui". Để Việt Nam vừa tăng thứ hạng, vừa tăng số lượng điểm đến miễn visa, chúng ta có thể học theo các công thức mà Singapore có được. Ngoài thúc đẩy hợp tác song phương, Việt Nam có thể mở rộng danh sách miễn thị thực đơn phương cho các quốc gia có quan hệ ngoại giao tốt. Điều này không chỉ thu hút du khách quốc tế đến Việt Nam, mà còn tạo thuận lợi để nước bạn thực hiện chính sách miễn visa tương hỗ trở lại. Đồng thời, chính phủ có thể đàm phán để các quốc gia khác thực hiện cấp e-visa cho công dân Việt Nam - như một hình thức nhập cảnh đơn giản đến nước họ. Hình ảnh quốc gia an toàn, thân thiện với du lịch cũng góp phần khiến các nước tin tưởng hơn khi nới lỏng quy định nhập cảnh hoặc xét visa cho công dân Việt. Việt Nam cũng cần chú trọng quản lý tốt hình ảnh công dân ra nước ngoài, hạn chế tình trạng cư trú bất hợp pháp, vi phạm pháp luật hay di cư trái phép. "Đây là yếu tố ảnh hưởng lớn đến thiện chí hợp tác từ các nước phát triển", ông Chính nói. Các công ty lữ hành đưa khách Việt Nam du lịch nước ngoài (outbound) cần có những nhắc nhở, hướng dẫn, quy định cho các đoàn khách du lịch biết và thực hiện tốt điều này. Cuối cùng, cần tiếp tục nâng cấp hạ tầng kỹ thuật về xuất nhập cảnh, số hóa dữ liệu và tích hợp sinh trắc học, đảm bảo công dân Việt Nam có hồ sơ minh bạch, đáng tin cậy khi nhập cảnh ở nước ngoài. Ông Đạt cho biết ấn tượng lớn nhất của Việt Nam trong mắt nhiều khách quốc tế chính là sự an toàn. Theo báo cáo từ Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) năm 2024, hai chỉ số của Việt Nam được đánh giá cao nhất là giá cả (đứng thứ 6 trên 119 điểm đến) và an toàn (đứng thứ 23) Bất kỳ ai cũng muốn đến một nơi an toàn và bất kỳ quốc gia nào cũng muốn đón các du khách đến từ điểm đến thân thiện, an toàn. Do đó, thay vì phương án miễn visa quá nhiều, Việt Nam có thể biến hộ chiếu trở nên mạnh hơn nhờ "nội lực". "Quốc gia nào cũng muốn đón khách giàu và văn minh", ông Đạt nói. Lý do hộ chiếu Việt Nam tăng 7 bậc - Báo VnExpress Du lịch
Tóm tắt cho người nào làm biếng đọc Dù hộ chiếu Việt Nam tăng 7 bậc, số điểm đến miễn visa hoặc yêu cầu thủ tục đơn giản vẫn giữ ở mức 51, cho thấy sự tăng hạng có thể xuất phát từ sự tụt hạng của một số quốc gia khác. Mọi thứ vẫn như cũ, do mấy nước kia tụt hạng. Bên dưới thì giám đốc chém mấy cái không có thật vô cho dài bài báo.
Vcl thằng làm chart này có đi học không mà nhét số thứ tự vô chung vậy, sao không xếp thứ tự ở trục hoành luôn
Giờ toàn cộng tác viên thời vụ , cái em thất nghiệp spam bài kiếm thêm trả bài theo số chữa mà . giờ làm gì còn phóng viên, nhà báo nữa