Thông thường, các ban nhạc technical/brutal death metal chủ yếu phổ biến qua những hình thức trao đổi demo,tape và phát hành album dưới những label nhỏ lẻ thuộc giới hạn underground scene. Nhưng cũng có một số ít trong đó trở thành những band tên tuổi, được một phần mainstream đón nhận như Death, Atheist hay Cryptopsy... Trong số đó, có lẽ Nile là cái tên lạ lùng nhất, khi vẫn giữ nền tảng là technical/brutal, nhưng lại pha trộn thêm những yếu tố... không giống ai, tạo nên một thể loại “Ithyphallic metal” - mà theo như band tự nói về mình - lại được đón nhận nhiệt tình và trở thành một trong những technical/brutal band nổi bật nhất. Điều đầu tiên để nói về Nile – chính là như tên của ban nhạc, mang yếu tố phương Đông tới từ dòng sông dài nhất thế giới. Ai Cập có một đề tài lịch sử vô cùng hoành tráng và màu sắc với những thần thoai đa dạng, góp phần là một trong những cái nôi của thế giới. Nội dung ca khúc của Nile đa phần được viết dựa trên hiểu biết sâu rộng của Karl Sanders về Ai Cập cổ đại, trên những câu chuyện về những vị thần mang tính chất đen tối đúng với death metal. Ngoài ra trong mỗi album của mình, Karl Sanders còn thuyết minh tường tận công phu về nội dung của mỗi bài hát. (Từ trái qua phải: Dallas Toler-Wade, Karl Sanders, George Kollias) Còn với âm nhạc, tất cả được Nile đẩy lên một mức extreme. Tốc độ chính là điều đầu tiên để nói về Nile. Đó là những đoạn lead với tempo dồn dập đan xen giữa Karl Sanders và Dallas Toler-Wade được đảo lộn liên tục khiến người nghe chóng mặt. Drum cũng chính là một phần làm nên đặc trưng thành công của Nile, chỉ với bốn cái tên Pete Hammoura, Derek Roddy (Hate Eternal, Malevolent Creation), Tony Laureano (Dimmu Borgir, Brujeria, Belphegor) và nay là George Kollias cũng đủ để người nghe thấy được mức độ khủng bố của drumworks trong Nile. Tưởng chừng là những âm thanh ồn ĩ, kín mít, nhưng cũng không đơn thuần chỉ là những blast beats và double bass drumming dồn dập và vô cảm – điều mà những drummer khủng bố trên mang lại chính là ba yếu tố kĩ thuật, tốc độ và sức mạnh trên nền guitar vốn đã khá phức tạp. Khi ráp lại, chúng không hề vô nghĩa, mà lại chính là chất technical/brutal đặc trưng với đảo phách, câu nhịp phức tạp mà không phải ban nhạc nào cũng có. Và với ba thành viên trong Nile, họ không đơn thuần chỉ chơi nhạc cụ của mình mà còn thực hiện vocal luân phiên nhau trong mỗi ca khúc. Mỗi người đều thể hiện một chất giọng đặc trưng, như guttural vocal sâu thăm thẳm như từ dưới địa ngục của Karl Sanders, hay mãnh thú bất nhân của Dallas Toler-Wade. Từ vocal, guitar, drum, đôi khi là keyboard và thậm chí là nội dung lyrics đã phác họa lên một bức tranh Ai Cập vĩ đại, tang tóc nóng nực đến rát đít. Cách bố trí và viết nhạc trong mỗi album của Nile cũng rất hợp lí, đầu tiên luôn là mở đầu bằng một intro track rất “mộc” mang lại bầu không khí Ai Cập, và cũng không là khi trong album hiện diện một tới hai track với độ dài khá khủng bố chỉ riêng với thể loại technical/brutal – khoảng 8 đến 10 phút được thêu dệt lên với đủ mọi tinh hoa. Chưa kể tới là những concept gồm 3 – 4 tracks rất epic, nhưng hầu hết mỗi track của Nile đã đều là một concept nhỏ giàu màu sắc đa ý nghĩa. (Từ trái qua phải: George Kollias, Dallas Toler-Wade, Karl Sanders) Nói qua một chút với quá trình phát triển ban nhạc. Nile bắt đầu vào năm 1993, khi Karl Sanders và Pete Hammoura rời khỏi thrash band Morriah, cùng với sự tham gia của tay bassist Chief Spires mà sau này đóng vai trò khá rõ rệt trong hai album đầu của Nile. Với hiểu biết rộng cùng niềm đam mê của một “egyptologist” (trực thuộc ngành khảo cổ, chuyên nghiên cứu về những lĩnh vực văn hóa, tôn giáo, nghệ thuật của Ai Cập cổ đại) khiến Karl Sanders bắt đầu thể nghiệm bằng cách đưa những nhạc cụ cổ truyền Ai Cập nhằm mang những âm thanh phương Đông vào nền nhạc technical/brutal. Lời bài hát cũng bắt đầu được Karl Sanders viết, dựa trên những bức bình phong và chữ viết tượng hình cổ bao gồm những hình ảnh về chiến tranh, những tục lệ và lễ bái. Mỗi năm trôi đi lại mang lại những bước tiến mới cho sự tìm tòi của Karl Sanders. Sau một số demo và EP, mọi chuyện bắt đầu trở nên nghiêm túc vào năm 1996 khi Nile kí hợp đồng với Visceral Productions. Album đầu tiên Amongst the Catacombs of Nephren-Ka được thu âm, nhưng rắc rối xảy ra với Visceral khiến album bị chậm trễ. Chỉ đến khi Relapse Records xuất hiện, và cuối cùng album cũng được phát hành vào tháng tư năm 1998. Sự mới mẻ được thể hiện trong album này sớm gây được sự chú ý với những đoạn riff điên loạn cùng với những âm thanh phương Đông. Ngay sau đó thì Dallas Toler-Wade, một trong những thành viên quan trọng sau này của ban nhạc gia nhập và tiếp nối là tour diễn 18 tháng liên tiếp khắp thế giới. Cùng với đó là Nile được mời để tháp tùng Morbid Angel lưu diễn châu Âu. Tên tuổi của Nile cũng nổi như sung rụng từ đây. Kết thúc tour diễn châu Âu, Pete Hammoura vì lí do chấn thương vai rời khỏi ban nhạc và một cái tên nổi tiếng khác là Tony Laureano tham gia ban nhạc để thay thế. Kết thúc tour diễn, Nile lại bắt đầu viết nhạc dựa trên những ý tưởng mới sau album đầu, đồng thời compilation album In the Beginning cũng được phát hành vào năm 1999. Lúc này, âm nhạc của Nile được viết như một bản nhạc dành cho dàn nhạc giao hưởng, mỗi phần được soạn lên và ráp nối lại. Lyrics cũng được Karl Sanders chăm chút kĩ lưỡng để thực sự khớp với tông nhac cũng như làm hài lòng cả ban nhạc. Album thứ hai – Black Seeds of Vengeance được thu âm với sự tham gia của Derek Roddy và phát hành vào năm 2000. Kế thừa tinh hoa từ album đầu tiên, với một bầu âm hưởng nhuần nhuyễn, đi cùng với những nhạc cụ mới mẻ như đàn sitar, khèn, chiêng cổ và acoustic guitar được đưa vào lần đầu tiên cho một album technical/brutal. Chief Spires rời khỏi ban nhạc không lâu sau khi tour diễn kết thúc, nhưng Nile cũng nhanh chóng tìm kiếm được sự thay thế của Jon Vesano. Với một đội hình mới, ban nhạc nhanh chóng bắt tay thực hiện album mới – In Their Darkened Shrines vào năm 2002. Album này là một bức tranh tổng thể mãnh liệt, tốc độ, nặng nề nhưng không thiếu những khoảnh khắc thi vị phương Đông. Hè năm 2002, cùng với Origin, Hate Eternal và Arch Enemy, Nile có một tour diễn thành công. Sau đó là với Strapping Young Lad, Napalm Death và Voivod. Hai video Sarcophagus và Execration Text cũng được khởi quay. Một năm sau đó, tên tuổi Nile cũng bừng nổ với vai trò co-headline tour Blackest of the Black với Danzig, tour diễn mà cũng có sự tham gia của Opeth và Behemoth. Không lâu sau đó là với Kreator, Vader, Amon Amarth, Deicide và Destruction đánh dấu Nile trở thành một trong những band technical/brutal đầu tầu và được biết tới nhiều nhất. Cho tới năm 2005, Tony Laureano được thay thế bởi drummer đến từ Hy Lạp – George Kollias. Vậy là bức tranh của Nile đã hoàn chỉnh, kết quả là album Annihilation of the Wicked ra đời vào năm 2005, và được đánh giá là album xuất sắc nhất của Nile. Bốc lửa, mạnh mẽ với phong độ ổn định, Nile lại tiếp tục tour diễn Bắc Mỹ với King Diamond, Hypocrisy và Decapitated nhằm quảng bá cho album. Sau đó lại là tour diễn châu Âu với những tên tuổi death metal khác như Unleashed, Incantation và Dying Fetus. Sau đó thì Nile cũng đạt thành công khi kí hợp đồng với hãng thu âm danh tiếng Nuclear Blast Records. Nuclear Blast phát hành compilation Legacy of the Catacombs vào năm 2007 trong khi Nile cũng thực hiện album tiếp theo. Ithyphallic được phát hành vào năm 2007, cùng với tiêu đề một lần nữa để Nile khẳng định thể loại riêng đặc trưng của mình. Vẫn là đề tài Ai Cập cổ đại màu mỡ được khai thác, âm nhạc đầy sáng tạo và kĩ thuật, kết hợp đồng đều giữa những nhạc cụ với nhau đúc lên một tác phẩm hoàn chỉnh. Sau khi cộng tác với những live bassist Joe Payne và Chris Lollis, thì hầu hết những album của Nile đều do Dallas Toler-Wade và Karl Sanders chơi bass. (Từ trái qua phải: George Kollias, Dallas Toler-Wade, Karl Sanders) Với những tour diễn cùng với rất nhiều tên tuổi nổi tiếng xuyên suốt thế giới, thì trong tháng 11 năm 2009, album mới nhất của Nile - Those Whom the Gods Detest cũng đã được ra mắt với các track mang độ dài khủng bố nhưng vẫn đầy đặc trưng của Nile. Với một thập niên 80s do những ông lớn Metallica, Megadeth làm chủ, cho tới 90s với Pantera, thì Nile cũng xứng đáng là một trong những ban nhạc ổn định và ảnh hưởng nhất trong thập niên 2000-2009. Ngoài ra bạn có thể tải các album của Nile tại đây.