http://www.thegioisaoonline.vn/t4/s3952/Nhung-bi-mat-thu-vi-ve-Gangnam-Style.tgs Khám phá những thông tin thú vị về ca khúc đình đám của 'chàng béo' PSY - chủ nhân ca khúc đang chiếm lĩnh 31 bảng xếp hạng âm nhạc toàn thế giới. 'Gangnam Style': tiếng cười nhạo giới giàu mới nổi ở Gangnam Ra mắt trên You Tube chỉ trong một thời gian ngắn,Gangnam Stylecủa ca sĩ Hàn Quốc PSY đã nhanh chóng thống lĩnh các bảng xếp hạng iTunes của 31 quốc gia, thậm chí nhanh chóng giật lấy kỷ lục Guinness về video có số lượng like nhiều nhất: 267 triệu lượt like. Dễ dàng hiểu vì sao nó có sức hút đến vậy. Không cần phải biết tiếng Hàn, cư dân mạng trên toàn thế giới cũng có thể say mê tận hưởng và bắt chước theo điệu nhảy ngựa "tưng tửng" lạ mắt, câu "slogan" hài hước "Oppa Gangnam Style", hoặc những đoạn rap ngắn với nhịp điệu sôi nổi. PSY biểu diễn ca khúc "Gangnam Style" trong show "Today" của đài NBC, New York. Ít ai biết, đằng sau điệu nhảy có phần lộn xộn và vui vẻ này là một bài luận xã hội sắc sảo về giới nhà giàu mới nổi ở Gangnam, một quận nhỏ thuộc thủ đô Seoul, nơi quy tụ một số lượng lớn thượng lưu sinh sống. Chỉ là một trong những góc nhỏ của Seoul nhưng nơi đây khơi dậy những cảm xúc lẫn lộn: khao khát, ghen tị và cả cay đắng. Là một địa chỉ sầm uất, đắt giá nhất Hàn Quốc, nhưng hơn hai thập kỷ trước, nó không gì hơn là một dãy phố lụp xụp, bao bọc bởi đầm lầy và những những cánh đồng rộng lớn. Gangnam - nghĩa là "phía nam dòng sông" - chỉ có diện tích bằng một nửa Manhattan. Khoảng 1% dân số Seoul sống ở đây, chủ yếu là những người giàu "mới nổi" - một bộ phận phất lên từ những năm 1970, khi giá cả nhà đất leo thang, khiến họ sau một đêm trở thành các tỷ phú. Giá nhà khu vực này trung bình vào khoảng 716.000 USD - số tiền mà một người bình thường phải kiếm trong vòng 18 năm. Sự giàu có khiến Gangnam rất nhanh sau đó mọc lên rất nhiều những cửa hàng thời thượng, câu lạc bộ, các viện thẩm mỹ, kèm theo đó là các trường học tư nhân, các trường dự bị. Người Gangnam do đó dành thời gian gấp 4 lần cho giáo dục so với mức trung bình quốc gia. Họ nổi bật không phải từ văn hóa, truyền thống, mà từ cách chi tiêu các dịch vụ tối ưu, xa xỉ nhất - như một cách đánh bóng sự giàu có của mình. "Gangnam khơi gợi sự ghen tị và khó chịu" - Kim Zakka, một nhà phê bình nhạc pop đã chia sẻ điều này. "Những cư dân Gangnam sống như tầng lớp trên của Hàn Quốc, nhưng ngược lại, dân Hàn Quốc lại nhìn họ như những kẻ tự mãn, không hề có chút hào quang quý tộc". Thể hiệnGangnam Style,PSY đem đến một cái nhìn có phần đả kích, chế giễu bộ phận "giàu mới nổi" của quận thượng lưu này. Thay vì tới nhảy ở các hộp đêm, PSY tiệc tùng với các bà nội trợ nghỉ hưu trong một xe bus rộn ràng và tưng bừng ánh đèn, âm nhạc. Thay vì tới câu lạc bộ thể hình, anh nằm trong một sauna với hai găngxtơ đầy hình xăm trổ. Thậm chí anh... đọc rap khi đang ngồi trong nhà vệ sinh. Có khi anh khệnh khạng đi với hai người mẫu xinh đẹp, bất chấp việc bị đống giấy rác thổi vào mặt... "Gangnam Stylehé mở về mối quan hệ yêu - ghét với Gangnam", Baak Eun-seok, một nhà phê bình âm nhạc lý giải. Một bộ phận Hàn Quốc nhìn những con người Gangnam như những gì mà PSY thể hiện, trong khi số còn lại ngắm nghía người Gangnam ở một khía cạnh khác: đẹp đẽ nhờ phẫu thuật thẩm mỹ, thanh lịch nhờ những món đồ xa xỉ, mảnh mai nhờ yoga... "PSY trông giống như một gã quê thô kệch. Anh ấy khác xa với những gì gọi là "phong cách Gangnam. PSY tự chế giễu chính mình". Bên cạnh đó, Gangam Style cũng mang đến những hình ảnh rất đời thường mà người dân Hàn Quốc dễ dàng nhận thấy, đó là những ông già tụ tập bên bàn cờ, phụ nữ trung niên đội mũ rộng vành để che nắng... Chủ nhân 'Gangnam Style': chàng béo nhà giàu và lắm scandal Rất nhiều những nghệ sĩ châu Á từng ngày, từng giờ nỗ lực tìm cách xâm nhập thị trường Mỹ. Vậy tại sao PSY - tên thật là Park Jae-sang, một rapper 34 tuổi từng bị phạt 4.500 USD vì hút cần sa lại có thể trở thành người hướng dẫn Britney Spears nhảy điệu "ngựa" trên truyền hình Mỹ? Giải thích điều này, PSY dí dỏm trong show "Today" của Mỹ: "Tôi không đẹp trai, tôi không cao to, cũng không cơ bắp. Nhưng tôi đang ngồi đây với các bạn". Lý do, theo anh chính là ở "tâm hồn và quan điểm". PSY - nghệ danh được lấy từ ba từ đầu trong từ "psycho" - nghĩa là kẻ tâm thần, là cách để Park Jae Sang tự nói về mình, một "kẻ ngoại đạo" đầy cá tính. Sinh ra trong một gia đình giàu có, được nuôi dưỡng và giáo dục tại khu vực phía nam sông Hàn, tức là gần Gangnam, PSY là một dancer tài năng, một rapper tự tin và hài hước, và một hình ảnh "gần gũi, không cần đến sự đánh bóng". Gia nhập làng giải trí từ năm 2001, PSY gây chú ý với phong cách có phần lập dị, những điệu nhảy "quái", những đoạn rap với ca từ khiêu khích. Suốt những năm trước 2010, PSY liên tục dính "phốt", khi thì ca khúc bị cấm vận vì lời lẽ phản cảm, khi thì bị bắt quả tang sử dụng cần sa và phải nộp phạt hành chính, sau đó là phải đi nghĩa vụ quân sự tới hai lần vì thiếu trung thực trong thời gian quân ngũ... Chỉ tới 2010, khi gia nhập YG Entertainment, tên tuổi PSY mới thực sự được chú ý. Theo lý giải của nhà bình luận Jae-Ha Kim, đi ngược với hình ảnh đẹp trai, phong cách như các nhóm nhạc trẻ hiện nay, PSY mang đến cho dân Mỹ sự thoải mái: "Dân Mỹ thích những người như Thành Long, Lý Liên Kiệt, họ đẹp nhưng không giống như Brad Pitt hay Keanu Reeves chút nào". Nói vềGangnam Style, vị này nhận xét: "Ban đầu, khi xem MV, họ có thể thốt lên rằng:Anh chàng này thật vui tính. Nhưng khi nhìn các động tác của PSY, bạn nhận ra rằng mình muốn biết làm thế nào để nhảy những điệu như của anh ấy".