Multi Clock Tower - Tháp đồng hồ

Thảo luận trong 'Tin tức - Giới thiệu - Thảo luận chung về game' bắt đầu bởi SPC700, 13/7/25.

  1. SPC700

    SPC700 Dragon Quest

    Tham gia ngày:
    1/10/20
    Bài viết:
    1,292
    1. Khái quát

    Clock Tower (Tháp đồng hồ) là tựa game phiêu lưu mạo hiểm/sinh tồn/kinh dị của hãng HUMAN phát hành cho máy chơi game Super Famicom (SFC/Sufami hay SNES ở thị trường Bắc Mỹ, Super Nintendō ở thị trường Âu châu) vào năm 1995. Clock Tower là tựa game kinh dị hiếm hoi và xuất hiện sớm nhất trên hệ máy console của Nintendō, và là phiên bản đầu tiên mở đầu cho series trải dài qua nhiều hệ máy khác trong thời gian sau đó. Bản thân phiên bản này cũng được di thực sang hệ PlayStation và Windows vào năm 1997, và sang hệ máy Wonder Swan của Bandai vào năm 1999.

    [​IMG]

    Clock Tower kể lại câu chuyện sinh tồn của Jennifer Simpson, cô bé lớn lên trong trại mồ côi ở một vùng nọ thuộc xứ Bắc Âu. Một ngày nọ, có tin báo rằng có người muốn nhận nuôi Jennifer cùng 3 người bạn khác của cô bé. Đó là giáo viên Mary, người này đã đưa 4 thiếu nữ về dinh thự Tháp đồng hồ sừng sững cô độc giữa những rặng núi.

    Dinh thự Tháp đồng hồ là biệt danh mà dân địa phương gọi tòa dinh thự của gia tộc Barrows, vì nó có một tháp chuông đồng hồ chót vót, từng ngân nga điểm giờ báo hiệu thời khắc trong quá khứ. Nhưng không rõ vì lý do gì mà tiếng chuông bỗng trở nên im bặt từ chục năm nay, mặc dù tháp chuông vẫn đứng đó sừng sững.

    Khi nhóm thiếu nữ đến tòa dinh thự này thì chẳng lâu sâu, nỗi kinh hoàng ập đến khi từng người bạn của Jennifer bị sát hại một cách tàn bạo ngay trước mắt cô bé. Thủ phạm chính là quái nhân Người kéo, một gã dị dạng với vũ khí là cái kéo khổng lồ. Hắn ta săn lùng từng người để lấy mạng họ. Nhiệm vụ của người chơi là đưa Jennifer và những người bạn khác thoát khỏi dinh thự Tháp đồng hồ bằng cách khám phá mọi ngóc ngách, mọi bí ẩn của dinh thự này. Người chơi di chuyển con trỏ để tìm kiếm mọi vật thể có thể tương tác được trong môi trường, và thông qua đó mà câu chuyện tiến triển.

    Điểm đặc biệt của Clock Tower là nó có khá nhiều kết thúc, nên người chơi buộc phải chơi lại nhiều lần nếu muốn xem tất cả những kết thúc này. Và vì vậy nên trong game cũng tồn tại khá nhiều yếu tố ngẫu nhiên để tránh cảm giác lặp lại, nhàm chán ở mỗi lần chơi. Vị trí của một số Item, một số gian phòng và một số sự kiện trong game xảy ra có tính ngẫu nhiên trong khi một số khác lại phụ thuộc vào hành động của người chơi.

    Có thể nói Clock Tower là một game không có nhạc nền, vì hầu hết tiến trình trong game đều diễn ra chỉ với những hiệu ứng âm thanh như tiếng bước chân, tiếng đóng mở cửa kẽo cọt. Nhạc nền chỉ vang lên ở một số đoạn nhất định. Điều này càng khiến bầu không khí trong game trở nên căng thẳng, nặng nề. Tiến trình của game diễn ra như một bộ phim với sự tương tác của người chơi, đúng như ý đồ của nhà sản xuất là tạo ra một thể loại game được gọi là "Cinematic Live".

    [​IMG]

    2. Bản dịch tiếng Việt

    Bản dịch tiếng Việt của Clock Tower được hoàn thiện vào tháng 07/2025. Và như mọi bản dịch khác của thuyền đá, bản dịch tiếng Việt của Clock Tower còn có thêm một số tính năng như dưới đây mà trong bản gốc không có.

    • Sử dụng nhiều loại font chữ hơn bản gốc
    • Sử dụng nhiều màu chữ hơn bản gốc
    • Khung thoại hiển thị được nhiều chữ hơn bản gốc
    • Có lựa chọn bật/tắt hiển thị thể lực của nhân vật
    • Cho phép nhấn nút ẩn để hồi phục thể lực
    • Cho phép nhấn nút ẩn để Người kéo không tấn công
    • Cho phép nhấn nút ẩn để Người kéo không truy đuổi
    Tính năng bật/tắt hiển thị chỉ số thể lực của nhân vật được thêm vào để giúp người chơi dễ dàng kiểm soát được thể lực của nhân vật, từ đó có những hành động phù hợp hơn, khiến game dễ dàng hơn một chút. Người chơi có thể lựa chọn bật hoặc tắt tính năng này mỗi khi khởi động game.
    Còn những tính năng bấm nút ẩn để hồi phục thể lực, để kẻ thù không tấn công/không truy đuổi lại khiến game trở nên dễ hơn rất nhiều, có thể phá hỏng trải nghiệm chơi nên nó không được kích hoạt một cách cưỡng chế. Người chơi cần phải đọc mã nguồn để tìm ra cách bấm kích hoạt những tính năng này.

    Mã nguồn của bản dịch được cung cấp kèm với Rom tiếng Việt. Người chơi có thể tự sửa lại lời thoại cho phù hợp với nhu cầu của mình bằng cách chỉnh sửa file text. Việc này không đòi hỏi kiến thức gì. Người chơi cũng có thể chỉnh sửa các chức năng của game với mã nguồn đi kèm, nhưng cần phải có kiến thức về phần cứng cũng như ngôn ngữ (WDC65816) của máy Super Famicom.
    Ngoài ra, bản dịch còn đi kèm với tài liệu hướng dẫn cách chơi bằng tiếng Việt (người dịch tự viết) và tiếng Nhật (do chính hãng HUMAN tặng kèm với băng game).


    Link tải bản dịch tiếng Việt và mã nguồn của nó:


    Bản dịch này đã được kiểm chứng là chạy hoàn hảo trên phần cứng thật, cũng như trên các phần mềm giả lập (Snes9X, Mesen, Bsnes,....). Nếu chơi bằng phần mềm giả lập thì nên dùng Bsnes phiên bản Windows (click).

    [​IMG]
    [​IMG]
     
    Tiamat_63, namff, MapleKhoa and 12 others like this.
  2. manhduc1190

    manhduc1190 T.E.T.Я.I.S Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    29/8/08
    Bài viết:
    590
    Nơi ở:
    Hà nội
    Bác có tính dịch bản ps1 hay PS2 không
     
  3. hunken45

    hunken45 Nghiện (xem) NTR Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    30/4/07
    Bài viết:
    2,328
    Nơi ở:
    Sóc xà bai
    Nhìn bác có tuổi mà vẫn ko bỏ đam mê . Trân quý bác worry-113worry-116
     
    SPC700 thích bài này.
  4. NaughtyEvil

    NaughtyEvil Member vô giá trị GVN Dalit

    Tham gia ngày:
    30/4/08
    Bài viết:
    9,361
    Trân quý những người có đam mê không thời gian như thế này peepo_boardily
     
    SPC700 thích bài này.
  5. SPC700

    SPC700 Dragon Quest

    Tham gia ngày:
    1/10/20
    Bài viết:
    1,292
    Bản PS1 nội dung và hình ảnh cũng y chang bản SFC thôi chứ không có gì khác.
    Cái game này đâu có bao nhiêu text, 511 đoạn thì dịch một buổi là xong.
    Cái mất thời gian là debug để hiểu cấu trúc. Nếu làm bản PS1 thì phải debug lại từ đầu.
    Ngại lắm, nhưng nếu có thời gian cũng sẽ làm.
    Bản PS2 thì chưa chơi.
     
  6. Evil_King

    Evil_King Mega Man Lão Làng GVN

    Tham gia ngày:
    24/5/10
    Bài viết:
    3,444
    trò này có bản rewind trên steam chơi hay lắm nè, mà dùng của bác cho cây nhà lá vườn, trân quýikrcn5e-png
     
    Chỉnh sửa cuối: 15/7/25 lúc 02:07
  7. SPC700

    SPC700 Dragon Quest

    Tham gia ngày:
    1/10/20
    Bài viết:
    1,292
    Lảm nhảm một ngày mưa.

    Mình mê đủ thứ, thứ gì cũng mê, trong đó có mê suy nghĩ về không gian và thời gian.

    Hồi tiểu học có đọc bộ thần thoại Hy Lạp của cụ Nguyễn Văn Khỏa dịch. Đọc xong bỗng đâm ra mê nhìn trăng sao, cứ tối tối lại ngẫng nhìn trời.
    Đến cấp 2 thì mò đâu được cuốn giáo trình thiên văn ở bậc ĐH, đọc ngấu nghiến dù có vô số thứ chả hiểu gì.
    Rồi tới tận sau này thỉnh thoảng vẫn ngẫm nghĩ về bản chất của không gian, về thực tướng của thời gian.
    Mình là một người say mê nghiền ngẫm về không thời gian không biết mệt.

    Dù có rất nhiều thú vui nhưng cái thú lớn nhất lại là lập trình ngôn ngữ máy.
    Hồi cấp 2, những năm 1999x, lần đầu tiên được tiếp xúc với máy tính, với DOS, với Norton Commander và Pascal thì thấy say mê vô cùng. Và đó cũng là thứ khó hiểu nhất trong đời mình từng gặp cho tới lúc đó.
    Sau khi tập toẹ được tí Pascal thì từng hý hửng cầm cái đĩa mềm chứa Rom SNES nhét vào ổ đĩa A của PC với hy vọng đọc được mấy câu lệnh if với else trong đó.
    Nhưng hỡi ôi khi mở ra thì toàn thứ văn tự kỳ lạ. Lúc đó mình biết là game SNES được viết bằng thứ ngôn ngữ khác với Pascal.
    Rồi tới khi Internet phổ biến thì mới bắt đầu tìm hiểu được đó là ngôn ngữ máy.
    Và cũng từ đó mình bắt đầu (tự) học vài ngôn ngữ bậc cao. Nhưng không có cái nào khiến mình cảm thấy thỏa mãn vì rốt cuộc, tất cả những ngôn ngữ bậc cao đều không giải quyết được câu hỏi "tại sao lại thế".

    Tại sao
    print("Hello, World!")

    lại xuất dòng chữ ra màn hình được?
    Những câu hỏi tại sao và tại sao trong mấy món ngôn ngữ bậc cao cứ xoay vòng trong đầu mình không lời giải đáp.
    Rồi một ngày nọ của 20 năm trước, tình cờ mình tiếp xúc với bộ môn Romhacking, và gặp các vị tiền bối trong lãnh vực đó, họ khuyên là mày cần phải học ngôn ngữ máy để hiểu được bản chất.
    Thế là mình đâm đầu vào (tự) học tới tận bây giờ. Càng đi sâu vào thế giới của phần cứng, của ngôn ngữ phần cứng thì mình càng thấy sáng tỏ cho những câu hỏi tại sao mà trước đây mình không tìm được trong các ngôn ngữ bậc cao.
    Ngôn ngữ máy là thứ gì đó giống như những hạt nguyên tử, hạt cơ bản. Ta dùng những hạt cơ bản đó để tạo nên vật liệu, rồi dùng những vật liệu đó để xây nhà, dựng cầu.
    Trong khi ở ngôn ngữ bậc cao thì người ta chỉ dùng vật liệu sẵn có để xây dựng mọi thứ.
    Vì lẽ đó mà ngôn ngữ máy giải đáp được những câu hỏi tại sao thuộc về bản chất mà lúc trước mình không tìm được với ngôn ngữ bậc cao.
    Cho tới tận bây giờ, 20 năm đã trôi qua nhưng ngày nào mình cũng đọc một đống log của CPU như một thứ lương thực giải quyết cho cơn đói trong trí óc.
    Đối với người khác thì họ thấy nó giống như những chuỗi ký tự vô nghĩa, nhưng đối với mình thì CPU log giống như một cuốn tiểu thuyết, một cuốn sách chứa đầy thông tin mà càng đọc càng thấy cuốn.

    Đến giờ nghĩ lại thì thấy mình có một niềm đam mê không thời gian đối với phần cứng, với ngôn ngữ của phần cứng.
     

Chia sẻ trang này